Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu trung ương.
Thời gian qua, dịch Covid-19 và các biến động phức tạp về kinh tế địa chính trị thế giới đã và đang ảnh hưởng mạnh đến nền kinh tế nước ta cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Chính vì vậy, cùng với sự nỗ lực vượt qua khó khăn, tinh thần đổi mới, chủ động thích ứng của cộng đồng doanh nghiệp, khu vực doanh nghiệp thời gian qua đã có nhiều tín hiệu phục hồi khởi sắc. Khu vực doanh nghiệp vẫn đạt mức tăng trưởng đáng khích lệ ngay trong bối cảnh dịch Covid -19 phức tạp.
Trong 7 tháng đầu năm 2022, số doanh nghiệp gia nhập và quay trở lại thị trường và nguồn vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế tăng mạnh. Số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường với trên 130 nghìn doanh nghiệp, tăng 26,8% so với cùng kỳ năm 2021, gấp 1,4 lần số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Về quy mô, tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 7 tháng đầu năm 2022 đạt trên 3,3 triệu tỷ đồng, tăng trên 37% so với cùng kỳ năm 2021. Thị trường của doanh nghiệp đặc biệt là thị trường nội địa phục hồi trên 75%-85% so với thời điểm trước dịch bệnh Covid-19; doanh thu 02 quý đầu năm 2022 tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước, một số ngành còn cao hơn so với cùng kỳ trước dịch. Kim ngạch xuất khẩu các ngành chủ lực của Việt Nam như điện tử, dệt may, da giày, nông, lâm, thủy sản, tiếp tục tăng mạnh, là điểm sáng, đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế. Niềm tin của các nhà đầu tư và doanh nghiệp tiếp tục được củng cố và có xu hướng tích cực.
Mặc dù vậy, tình hình sản xuất kinh doanh trong thời gian tới dự kiến tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức từ các yếu tố khách quan như nguy cơ dịch Covid-19 bùng phát, xung đột quân sự Nga - Ucraina diễn biến phức tạp, có nguy cơ kéo dài, giá xăng dầu, nhiên, nguyên vật liệu chưa ổn định, sự phục hồi chậm và khó khăn của các đối tác thương mại lớn; thiếu hụt nguồn lao động, nguồn vốn… cho đến các yếu tố chủ quan như: chính sách, pháp luật trong nước còn một số vướng mắc đã tồn tại từ lâu nhưng chưa được quan tâm giải quyết, bộ máy thực thi của chính quyền còn hạn chế… gây ảnh hưởng đến khả năng phục hồi của doanh nghiệp và nền kinh tế.
Ngoài ra, sự dịch chuyển chuỗi giá trị, yêu cầu của đối tác, thị trường theo hướng sản xuất và tiêu dùng bền vững đang diễn ra mạnh mẽ, sản xuất xanh, vấn đề thuế cacbon, công cụ kiểm chứng carbon đang áp dụng ngày càng ở nhiều nước trên thế giới đang đặt ra những thách thức cần phải đổi mới cho các doanh nghiệp Việt Nam. Bên cạnh đó, kinh tế số, cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ trong khi nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa nhận thức đúng vai trò và tầm quan trọng của công nghệ, chuyển đổi số, còn đi sau thế giới về mặt công nghệ, chưa làm chủ được các công nghệ lõi, công nghệ nền tảng, dẫn đến nguy cơ tụt hậu, giảm sức cạnh tranh trên thị trường.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Điện Biên.
Trong thời gian tới, tình hình thế giới và trong nước có cả thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen. Để có thể đạt được mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đề ra và hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 đã được Quốc hội thông qua. Việt Nam cần đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, trong đó cộng đồng doanh nghiệp đóng vai trò là lực lượng tiên phong, nòng cốt, quan trọng để thực hiện thành công các mục tiêu đề ra.
Trong bối cảnh hiện nay, quan điểm của Đảng và Nhà nước là: Quán triệt đầy đủ các Nghị quyết, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về khuyến khích phát triển doanh nghiệp, bảo vệ quyền của người dân, doanh nghiệp; Hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp phát triển; Đảm bảo tính đồng bộ, nhất quán của các chủ trương chính sách; Chuẩn bị các nguồn lực cần thiết hỗ trợ các doanh nghiệp; Hỗ trợ các doanh nghiệp thích ứng với tình hình mới.
Hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp chủ động thích ứng với tình hình mới, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh và phục hồi nhanh, phấn đấu đến năm 2025: Đạt 1,5 triệu doanh nghiệp. Tốc độ tăng bình quân số doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh khoảng 8%/năm; 8.000-10.000 hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp; Khu vực doanh nghiệp đóng góp khoảng 65-70% GDP cả nước, khoảng 30-35% tổng việc làm trong nền kinh tế, 98-99% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu; Khoảng 35-40% tổng số doanh nghiệp có hoạt động ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; 100% cơ sở kinh doanh bao gồm doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; tối thiểu 30.000 cơ sở kinh doanh được hỗ trợ thực hiện chuyển đổi số; Mỗi năm tăng 10% số lượng doanh nghiệp được xếp vào danh sách doanh nghiệp có giá trị thương hiệu cao nhất của các tổ chức xếp hạng uy tín trên thế giới; 100% thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp đủ điều kiện được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4.
Ngoài ra còn một số giải pháp cần thực hiện ngay trong thời gian này đó là: Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ giảm chi phí, tìm kiếm đơn hàng, đa dạng hóa thị trường, đẩy mạnh hỗ trợ người lao động, hoàn thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy chuyển đổi số doanh nghiệp, hỗ trợ tái cơ cấu lao động, tăng cường chính sách, nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp. Ngoài ra các Bộ, ban, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cần: Tổ chức hiệu quả chính sách, giải pháp, kiểm tra, giám sát, kịp thời tổng hợp các khó khăn vướng mắc, xây dựng chương trình, biện pháp, chủ động nghiên cứu, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan từ trung ương đến địa phương triển khai có hiệu quả chương trình.
Phát biểu kết luận tại hội nghị đồng chí Phạm Minh Chính - Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao những đóng góp của các đại biểu vào báo cáo chung, sự đóng góp của các doanh nghiệp vào sự phát triển kinh tế, chính trị xã hội, quốc phòng - an ninh trên cả nước về kinh doanh, chống dịch, phục hồi phát triển. Kêu gọi các doanh nghiệp đoàn kết, đồng cam cộng khổ, quyết tâm vượt qua mọi mục tiêu kế hoạch chương trình đề ra./.