Chào mừng quý bạn đọc đến với Trang thông tin điện tử Sở Kế hoạch Đầu tư
  • 1 5 4 7 0 5 5
    Hôm nay
    Hôm qua
    Tuần này
    Tuần trước
    Tháng này
    Tháng trước
    Tất cả các ngày
    18
    27
    57
    1546826
    670
    675
    1547055
    LIÊN KẾT WEB
  • Tình hình thực hiện nhiệm vụ đăng ký kinh doanh năm 2018 trên địa bàn tỉnh Điện Biên
  • Thời gian đăng: 01/10/2019 05:28:58 PM
  • I. CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, NGUỒN LỰC, CÁCH THỨC TỔ CHỨC CỦA PHÒNG ĐĂNG KÝ KINH DOANH

    1. Chức năng, nhiệm vụ của phòng đăng ký kinh doanh

    - Phòng Đăng ký kinh doanh có chức năng, nhiệm vụ như sau: Là đơn vị thuộc Sở có chức năng đăng ký doanh nghiệp trong phạm vi địa phương, giúp Giám đốc tổng hợp và tham mưu cho UBND tỉnh thống nhất quản lý các vấn đề về doanh nghiệp, kinh tế tập thể, hợp tác xã, kinh tế tư nhân trên địa bàn tỉnh, cụ thể:

    * Về Đăng ký doanh nghiệp:

    + Trực tiếp nhận hồ sơ đăng ký doanh nghiệp; xem xét tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và cấp hoặc từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

    + Phối hợp xây dựng, quản lý, vận hành Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp; thực hiện việc chuẩn hóa dữ liệu, cập nhật dữ liệu đăng ký doanh nghiệp tại địa phương sang Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

    + Cung cấp thông tin về đăng ký doanh nghiệp lưu giữ tại Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp trong phạm vi địa phương quản lý cho Ủy ban nhân dân tỉnh, Cục thuế địa phương, các cơ quan có liên quan và các tổ chức, cá nhân có yêu cầu theo quy định của pháp luật.

    + Yêu cầu doanh nghiệp báo cáo về việc tuân thủ các quy định của Luật Doanh nghiệp theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 209 Luật Doanh nghiệp.

    + Trực tiếp kiểm tra hoặc đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra doanh nghiệp theo nội dung trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp; hướng dẫn cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện về hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký hộ kinh doanh; hướng dẫn doanh nghiệp và người thành lập doanh nghiệp về hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký doanh nghiệp.

    + Yêu cầu doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo quy định tại Khoản 9 Điều 7 Nghị định 78/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 09 năm 2015 của Chính phủ về Đăng ký doanh nghiệp.

    + Thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đối với doanh nghiệp thuộc các trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 62 Nghị định 78/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 09 năm 2015 của Chính phủ về Đăng ký doanh nghiệp.

    + Thực hiện việc đăng ký liên hiệp hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân theo thẩm quyền.

    + Đăng ký cho các loại hình khác theo quy định của pháp luật.

    * Vể tổng hợp và tham mưu cho UBND tỉnh thống nhất quản lý các vấn đề về doanh nghiệp, kinh tế tập thể, hợp tác xã, kinh tế tư nhân trên địa bàn tỉnh:

    + Thẩm định và chịu trách nhiệm về các đề án thành lập, sắp xếp, tổ chức lại doanh nghiệp nhà nước do địa phương quản lý; tổng hợp tình hình sắp xếp, đổi mới, phát triển doanh nghiệp nhà nước và tình hình phát triển các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác; Là đầu mối theo dõi, tổng hợp tình hình thực hiện và triển khai chính sách, chương trình, kế hoạch công tác hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa;

    + Phối hợp với các ngành kiểm tra, theo dõi, tổng hợp tình hình và xử lý theo thẩm quyền các vi phạm sau đăng ký thành lập của các doanh nghiệp tại địa phương;

    + Là đầu mối theo dõi, tổng hợp tình hình doanh nghiệp sau đăng ký thành lập.

    + Là đầu mối tổng hợp, đề xuất các mô hình và cơ chế, chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, kinh tế tư nhân; hướng dẫn, theo dõi, tổng hợp và đánh giá tình hình thực hiện các chương trình, kế hoạch, cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, kinh tế tư nhân và hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã và kinh tế tư nhân trên địa bàn tỉnh;

    + Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan giải quyết các vướng mắc về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã và kinh tế tư nhân có tính chất liên ngành;

    + Đầu mối phối hợp với các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế nghiên cứu, tổng kết kinh nghiệm, xây dựng các chương trình, dự án trợ giúp, thu hút vốn và các nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, kinh tế tư nhân trên địa bàn tỉnh;

    + Định kỳ lập báo cáo theo hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, cơ quan ngang Bộ có liên quan về tình hình phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, kinh tế tư nhân trên địa bàn tỉnh.

    - Thực hiện các nhiệm vụ khác theo sự phân công của Lãnh đạo Sở.

    2. Nguồn lực Phòng ĐKKD:

    - Số lượng biên chế được giao: 4 cán bộ, trong đó có 1 trưởng phòng, 1 phó trưởng phòng, 2 chuyên viên

    - Nguồn cán bộ: (chi tiết tại phụ lục 1gửi kèm)

    - Trong năm 2018 Phòng đăng ký kinh doanh không có thay đổi về cán bộ

    3. Tổ chức phân công nghiệm vụ

    - Cách thức phân công nhiệm vụ cho cán bộ đăng ký kinh doanh: Phòng ĐKKD - Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Điện Biên phân công công việc cho cán bộ công chức trong phòng theo chức năng nhiệm vụ phòng được giao đảm nhiệm (cơ chế phân công khác), cụ thể:

    + Trưởng phòng: Quản lý, chỉ đạo, điều hành toàn bộ hoạt động chung của phòng Đăng ký kinh doanh; trực tiếp thẩm tra hồ sơ công việc do công chức trong phòng thẩm định hoặc xử lý, chịu trách nhiệm trước Giám đốc và trước pháp luật về nội dung các văn bản trình duyệt qua mạng Net-Office TDoffice; trực tiếp tổng hợp, xây dựng đề án, chương trình, kế hoạch và tham mưu cho Lãnh đạo Sở trong việc triển khai thực hiện đề án, chương trình, kế hoạch sắp xếp, đổi mới và phát triển doanh nghiệp đã được UBND tỉnh phê duyệt; thực hiện công tác đăng ký doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về đăng ký doanh nghiệp.

    + 01 Phó trưởng phòng trực tiếp theo dõi, tổng hợp tình hình hoạt động và xây dựng kế hoạch phát triển doanh nghiệp, kinh tế tập thể và hộ kinh doanh; Tham mưu, thực hiện Chương trình trợ giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa, kinh tế tư nhân trên địa bàn tỉnh; Theo dõi Hiệp hội doanh nghiệp; Làm đầu mối trao đổi thông tin giữa phòng ĐKKD với cơ quan thuế và Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh; Thực hiện công tác đăng ký doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về đăng ký doanh nghiệp.

    + 01 Chuyên viên thực hiện công tác đăng ký doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về đăng ký doanh nghiệp; Tổng hợp, theo dõi công tác sắp xếp, đổi mới DNNN và các công việc khác theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của phòng.

    + 01 Chuyên viên thực hiện công tác đăng ký doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về đăng ký doanh nghiệp, cung cấp thông tin về doanh nghiệp cho các sở ngành liên quan theo Quy chế phối hợp quản lý doanh nghiệp sau đăng ký thành lập và các công việc khác theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của phòng.

    II. TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ

    1. Tình hình thực hiện nhiệm vụ đăng ký doanh nghiệp

    a) Tiếp nhận và hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ đăng ký doanh nghiệp

    - Công khai thủ tục hành chính trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh: Thủ tục hành chính trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh được niêm yết công khai ngay tại phòng Đăng ký kinh doanh, đăng tải trên trang thông tin điện tử của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Điện Biên. Toàn bộ danh mục thủ tục hành chính về đăng ký doanh nghiệp, trình tự, hồ sơ đăng ký thành lập mới, thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, tạm ngừng, giải thể ... được niêm yết rõ ràng, đầy đủ đáp ứng nhu cầu tiếp cận, tìm hiểu thông tin, phục vụ cho việc thực hiện thủ tục hành chính của mọi tổ chức, cá nhân.

    - Cách thức tiếp nhận hồ sơ đăng ký doanh nghiệp: Phòng ĐKKD trực tiếp tiếp nhận hồ sơ đăng ký doanh nghiệp.

    b) Số hóa hồ sơ đăng ký doanh nghiệp

    - Số lượng hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp chưa được số hóa (scan): 0 Hồ sơ

    - Số lượng hồ sơ đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp chưa được số hóa (scan): 0 Hồ sơ

    - Nguồn kinh phí Phòng ĐKKD được bố trí cho công tác chuẩn hóa số liệu, số hóa hồ sơ đăng ký doanh nghiệp: Năm 2018, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã trích một phần từ số tiền 30% phí cung cấp thông tin doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh được giữ lại để phục vụ cho công tác chuẩn hóa số liệu, số hóa hồ sơ đăng ký doanh nghiệp.

    c) Quản lý doanh nghiệp sau đăng ký thành lập

    - Tình hình thực hiện nhiệm vụ yêu cầu doanh nghiệp báo cáo theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 209 Luật Doanh nghiệp 2014; đôn đốc việc thực hiện chế độ báo cáo hàng năm của doanh nghiệp:

    Căn cứ thông báo của Cục thuế tỉnh Điện Biên về việc đóng mã số thuế do doanh nghiệp không kinh doanh tại địa chỉ đã đăng ký, do giải thể, chấm dứt hoạt động. Năm 2018, phòng ĐKKD tỉnh Điện Biên đã yêu cầu 75 doanh nghiệp báo cáo theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 209 Luật Doanh nghiệp 2014.

    Để kịp thời nắm bắt tình hình hoạt động của doanh nghiệp, năm 2018, phòng đã có văn bản đôn đốc doanh nghiệp nộp báo cáo tài chính năm theo quy định. Qua đôn đốc có 653/1.011 (đạt 64,59%) doanh nghiệp đang hoạt động nộp báo cáo tài chính.

    - Tình hình thực hiện nhiệm vụ yêu cầu doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện: Không

    - Tình hình thực hiện nhiệm vụ thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp:

    + Số lượng doanh nghiệp bị ra thông báo về hành vi vi phạm: 34 Doanh nghiệp

    + Số lượng doanh nghiệp bị yêu cầu đến giải trình: 75 Doanh nghiệp, số lượng doanh nghiệp đến giải trình: 5 doanh nghiệp

    + Số lượng doanh nghiệp bị thu hồi Giấy CNĐKDN: 11 doanh nghiệp.

    + Hành vi vi phạm phổ biến của doanh nghiệp bị thu hồi Giấy CNĐKDN bao gồm: Không hoạt động tại trụ sở đã đăng ký, bị cơ quan thuế đóng mã số thuế, không gửi báo cáo theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 209 của Luật Doanh nghiệp năm 2014 đến Cơ quan đăng ký kinh doanh trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày có yêu cầu bằng văn bản

    - Tình hình thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp: (chi tiết có phụ lục 2 gửi kèm).

    - Tình hình thực hiện nhiệm vụ cung cấp thông tin về đăng ký doanh nghiệp lưu giữ tại Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp trong phạm vi địa phương quản lý cho UBND tỉnh, Cục thuế địa phương, các cơ quan có liên quan, các tổ chức, cá nhân có yêu cầu: (chi tiết có phụ lục 3 gửi kèm)

    - Tình hình xử lý giải thể doanh nghiệp: Năm 2018 Phòng ĐKKD đã xử lý giải thể cho 12 doanh nghiệp.

    2. Tình hình đăng ký hộ kinh hợp tác xã

    Số lượng liên hiệp hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân đăng ký thành lập, đăng ký thay đổi, tạm ngừng, giải thể, thu hồi do phòng ĐKKD thực hiện: Không

    -   Số lượng hợp tác xã đăng ký thành lập, đăng ký thay đổi, tạm ngừng, giải thể, thu hồi do cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện thực hiện:

    + Số lượng hợp tác xã đăng ký thành lập: 23 HTX

    +  Số lượng hợp tác xã đăng ký thay đổi: 8 HTX

    +  Số lượng hợp tác xã đăng ký tạm ngừng: 0 HTX

    +  Số lượng hợp tác xã đăng ký giải thể: 40 HTX

    +  Số lượng hợp tác xã bị thu hồi: 0 HTX

    - Các vấn đề khác liên quan đến đăng ký HTX: Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 53 HTX thuộc diện giải thể bắt buộc là các hợp tác xã hợp tác xã không hoạt động trong 12 tháng liên tục (nhiều hợp tác xã đã ngừng hoạt động từ lâu, hợp tác xã chỉ còn trên danh nghĩa), các thành viên hợp tác xã tự giải tán mỗi người một nơi, giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, con dấu, sổ sách, giấy tờ liên quan hiện thất lạc, không còn. Nhưng do thủ tục giải thể bắt buộc theo quy định của Điểm a, b Khoản 3 Điều 54 Luật Hợp tác xã năm 2012 còn phức tạp nhiều vướng mắc, cụ thể: Hội đồng giải thể phải có sự tham gia của hội đồng quản trị, ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên, thành viên, hợp tác xã thành viên với tư cách là ủy viên. Hồ sơ giải thể bắt buộc phải có giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã. Ngay sau khi hoàn thành việc giải thể, hội đồng giải thể phải nộp 01 bộ hồ sơ về việc giải thể, con dấu và bản gốc giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã tới cơ quan đã cấp giấy chứng nhận đăng ký. Vì các quy định trên và tình hình thực tế tại địa phương nên các phòng Tài chính - Kế hoạch còn lúng túng, chưa tham mưu được cho UBND các huyện, thị xã, thành phố ra quyết định giải thể và thành lập hội đồng giải thể các hợp tác xã này.

    3. Tình hình đăng ký hộ kinh doanh

    -  Số lượng hộ kinh doanh đăng ký thành lập: 1.291 hộ

    -  Số lượng hộ kinh doanh đăng ký thay đổi: 372 hộ

    -  Số lượng hộ kinh doanh đăng ký tạm ngừng: 1 hộ

    -  Số lượng hộ kinh doanh đăng ký giải thể: 8 hộ

    -  Số lượng hộ kinh doanh bị thu hồi GCNĐKHKD: 0 hộ

    4. Tình hình thực hiện các nhiệm vụ được giao khác

    - Giải quyết tố cáo, khiếu nại liên quan đến đăng ký doanh nghiệp

    + Số lượng đơn tố cáo, khiếu nại mà phòng ĐKKD nhận được: Không

    + Nội dung tố cáo, khiếu nại chủ yếu: Không

    + Số lượng đơn tố cáo, khiếu nại Phòng ĐKKD giải quyết, xử lý: Không

    - Tham gia tố tụng liên quan đến đăng ký kinh doanh: Không

    - Các nhiệm vụ được giao khác: Ngoài các công việc thường xuyên như trên, Phòng đã thực hiện tốt các nhiệm vụ khác do cơ quan giao như:

    - Công tác lập kế hoạch, rà soát đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch thuộc lĩnh vực phòng quản lý.

     - Tiếp tục thực hiện tốt chức năng cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo đổi mới và sắp xếp DNNN giai đoạn 2017-2020;

    - Công tác theo dõi, nắm tình hình phát triển kinh tế tập thể, hộ kinh doanh ở các huyện, thị, thành phố được duy trì thường xuyên, từ đó làm tốt công tác tham mưu trong việc lập các báo cáo và xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế tập thể, hộ kinh doanh.

    III. ĐÁNH GIÁ VIỆC THỰC HIỆN CHỨC NĂNG NHIỆM VỤ ĐƯỢC GIAO

    1. Kết quả đạt được

    - Công tác đăng ký doanh nghiệp được phòng ĐKKD - Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Điện Biên thực hiện hoàn toàn trên Hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia. Quy trình thao tác hồ sơ đơn giản, dễ hiểu, thuận lợi cho cán bộ đăng ký kinh doanh trong quá trình tác nghiệp. Các tính năng mới được bổ sung kịp thời, cổng TTQGVĐKDN ngày càng hoàn thiện phục vụ tốt yêu cầu của công tác đăng doanh nghiệp.

    - Là tỉnh có số lượng doanh nghiệp không nhiều nên công tác rà soát, chuẩn hóa, số hóa dữ liệu doanh nghiệp, việc phối hợp với cơ quan chức năng trong quản lý doanh nghiệp sau thành lập đã được Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Điện Biên quan tâm, thực hiện tốt.

    2. Khó khăn, hạn chế

    - Trang thiết bị:  Phòng đã được trang bị đủ thiết bị phục vụ công tác chuyên môn. Tuy nhiên, hiện nay trang thiết bị đã xuống cấp, một số thiết bị không đáp ứng yêu cầu công việc, phòng không triển khai được phần mềm đăng ký Online form và ứng dụng Cảnh báo, vi phạm, thu hồi. Việc thực hiện cảnh báo, vi phạm, thu hồi hiện nay đang phải làm ngoài hệ thống.

    - Trong công tác hậu kiểm doanh nghiệp: Việc tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế vì vậy việc quản lý, theo dõi, tổng hợp báo cáo tình hình hoạt động của các doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn.

    IV. KIẾN NGHỊ

    Từ ngày 16 tháng 7 năm 2018 khi Cục quản lý đăng ký kinh doanh chuyển Ứng dụng cảnh báo, vi phạm, thu hồi thay thế cho tác nghiệp cảnh báo, vi phạm, thu hồi trên Hệ thống đăng ký doanh nghiệp. Do Phòng ĐKKD tỉnh Điện Biên chưa được trang bị thiết bị "tường lửa" nên công tác cảnh báo, vi phạm, thu hồi doanh nghiệp còn khó khăn, chưa cập nhập được tình trạng doanh nghiệp vi phạm, thu hồi lên Hệ thống đăng ký doanh nghiệp quốc gia.

    Đề nghị Cục Quản lý đăng ký kinh doanh quan tâm, hỗ trợ để Phòng ĐKKD - Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Điện Biên được trang  bị thiết bị "tường lửa" phục vụ công tác cảnh báo, vi phạm thu hồi đối với các doanh nghiệp vi phạm quy định về đăng ký kinh doanh.

  • ĐƯỜNG DÂY NÓNG
    Văn phòng Sở KH & ĐT
    0215.382.5409
    Phòng Đăng ký kinh doanh
    0215. 382.5896
    Trung tâm Xúc tiến đầu tư
    0215.383.8686
  • Thắp sáng đường quê