Chào mừng quý bạn đọc đến với Trang thông tin điện tử Sở Kế hoạch Đầu tư
  • 1 5 4 7 0 5 5
    Hôm nay
    Hôm qua
    Tuần này
    Tuần trước
    Tháng này
    Tháng trước
    Tất cả các ngày
    18
    27
    57
    1546826
    670
    675
    1547055
    LIÊN KẾT WEB
  • TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ, HỢP TÁC XÃ NĂM 2023
  • Thời gian đăng: 01/08/2023 08:17:56 AM
  • Kinh tế tập thể của tỉnh mà nòng cốt là các HTX đã có những chuyển biến tích cực, đạt được những kết quả khá rõ nét: Các HTX chuyển đổi, đăng ký lại tiếp tục được củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động; số HTX thành lập mới phát triển khá nhanh, hoạt động ngày càng đa dạng. Việc thành lập mới các HTX được chú trọng hơn tại các xã vùng sâu, vùng xa, xã xây dựng nông thôn mới và các địa bàn có dự án của Tỉnh về phát triển cây Mắc ca, dược liệu ... Nhiều HTX đã nỗ lực vươn lên, đổi mới tổ chức và  nội dung hoạt động, mở rộng sản xuất kinh doanh theo hướng đa ngành, đa nghề; hiệu quả sản xuất kinh doanh dần được nâng lên.  Triển khai xây dựng các mô hình HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị, từ đó liên kết tham gia chuỗi giá trị giữ các HTX được tăng cường. Một số chính sách đối với khu vực KTTT được triển khai hỗ trợ thiết thực, có hiệu quả.

    Trong 6 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện 12 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia, 13 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh. Trong đó, có 02 nhiệm vụ: Dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ xây dựng mô hình sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá Nheo Mỹ (Ictalurus Punctatus) đảm bảo an toàn thực phẩm tại tỉnh Điện Biên” và dự án “Ứng dụng khoa học công nghệ xây dựng mô hình sản xuất và tiêu thụ khoai môn (Colocasia esculenta (L.) Schott) theo chuỗi giá trị trên huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên” do các hợp tác xã chủ trì thực hiện. Thông qua việc triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ các doanh nghiệp, hợp tác xã đã tiếp thu, tiến bộ công nghệ, kỹ thuật công nghệ vào sản xuất nhằm tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm.

    Công tác tuyên truyền luôn được quan tâm, kết quả đã tổ chức 14 hội nghị tuyên truyền về Luật HTX năm 2012 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, các chính sách về phát triển KTTT, HTX đồng thời chỉ đạo các Sở, Ngành có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố làm tốt công tác phối hợp để triển khai các chương trình, dự án đầu tư phát triển sản xuất cho khu vực KTTT, đặc biệt là các HTX có sản phẩm OCOP; tăng cường hỗ trợ vốn cho các HTX thành viên để mở rộng sản xuất kinh doanh.

    1. Đánh giá dựa trên các chỉ tiêu về hoạt động sản xuất, kinh doanh của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã

    1.1. Về số lượng, doanh thu và thu nhập của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác (HTX, LH HTX, THT)

    - Trên địa bàn tỉnh Điện Biên chưa có Liên hiệp hợp tác xã.

    - Tổng số hợp tác xã trên địa bàn tỉnh dự ước là 316 HTX (trong đó có 238 HTX đang hoạt động, 78 HTX ngừng hoạt động). Sáu tháng đầu năm 2023 có 29 HTX thành lập mới (đạt 131% so với mục tiêu kế hoạch 2023); không có HTX giải thể. Doanh thu bình quân của HTX đang hoạt động  là 2.042 triệu đồng; lợi nhuận bình quân của một HTX đang hoạt động  là 174 triệu đồng/năm, đạt 99,4 % so với mục tiêu kế hoạch năm 2023. Số HTX đang hoạt động hiệu quả là 107 HTX

    - Trên địa bàn tỉnh dự ước có tổng số 423 THT. Trong 6 tháng đầu năm năm 2023 thành lập mới 20 tổ hợp tác, đạt 100% so với mục tiêu kế hoạch 2023. Doanh thu bình quân của một tổ hợp tác là 124 triệu đồng/năm; lãi bình quân của một tổ hợp tác là 35 triệu đồng/năm, đạt 103% so với mục tiêu kế hoạch năm 2023.

    1.2. Về thành viên, lao động của hợp tác xã, tổ hợp tác

    - Tổng số thành viên của các HTX dự ước là 9.797 người, trong đó số thành viên mới gia nhập là 273 người, đạt 121% so với kế hoạch năm 2023. Tổng số lao động làm việc thường xuyên trong hợp tác xã dự kiến là 7.657 người, trong đó số lao động đồng thời là thành viên là 6.901 người, đạt 77,2% so với kế hoạch năm 2023, (do ảnh hưởng giá nguyên nhiên liệu tăng cao và thị trường bất ổn nên số lao động trong các HTX giảm so với kế hoạch năm 2023). Thu nhập bình quân của thành viên và lao động thường xuyên trong hợp tác xã đạt 56 triệu đồng/người/năm, đạt 101% so với kế hoạch năm 2023.

    Tổng số thành viên của THT dự ước là 3.674 người, trong đó số thành viên mới thu hút là 102 người, đạt 117% so với mục tiêu kế hoạch năm 2023.  Tổng số lao động trong tổ hợp tác là 3.674 người, trong đó lao động là thành viên tổ hợp tác là 3.674 người, đạt 85,4% so với kế hoạch năm 2023 (do ảnh hưởng giá nguyên nhiên liệu tăng cao và thị trường bất ổn nên số lao động trong các THT giảm so với kế hoạch năm 2023). Thu nhập bình quân của thành viên và lao động thường xuyên trong tổ hợp tác đạt 23 triệu đồng/người/năm, đạt 100% so với kế hoạch năm 2023.

    1.3. Về trình độ cán bộ quản lý hợp tác xã, tổ hợp tác

    Dự kiến đến hết năm 2023 tổng số cán bộ quản lý HTX là 1.264 người. Hầu hết cán bộ quản lý, điều hành hoạt động của các HTX đều có kinh nghiệm thực tế, nhiệt tình, trách nhiệm. Tuy nhiên tỷ lệ cán bộ HTX qua đào tạo không cao, cụ thể là:

    - Tổng số cán bộ quản lý HTX đạt trình độ sơ cấp, trung cấp là 632 người, đạt 122,2%% so với kế hoạch năm 2023, do các cán bộ đã nâng trình độ quản lý lên cao đẳng, đại học;

    - Tổng số cán bộ quản lý HTX đạt trình độ cao đẳng, đại học là 189 người, đạt 166% so với kế hoạch năm 2023, do các HTX đã chú trọng đầu tư, bồi dưỡng nâng cao trình độ quản lý cho các cán bộ của HTX.

    - Tổng số cán bộ quản lý tổ hợp tác là 423 người, đạt 85,3% kế hoạch so với kế hoạch năm 2023.

    2. Đánh giá theo lĩnh vực

    2.1. Lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp

    Dự ước đến hết năm 2023:

    - Toàn tỉnh có 221 HTX nông, lâm, thủy sản với 6.704 thành viên (204 HTX nông, lâm nghiệp; 17 HTX thuỷ sản), chiếm 70% tổng số HTX; trong đó có 179 HTX đang hoạt động (169 HTX nông, lâm nghiệp, 8 HTX thủy sản, 02 HTX lâm nghiệp), 42 HTX ngừng hoạt động (33 HTX nông, lâm nghiệp, 9 HTX thủy sản); 403 THT trong lĩnh vực này.

    - Số lượng lao động làm việc thường xuyên trong HTX là 6.690 người (trong đó có số lượng lao động đồng thời là thành viên là 6.082 người). Doanh thu bình quân của HTX nông, lâm, ngư nghiệp là 1665 triệu đồng/năm; lợi nhuận bình quân là 364 triệu đồng/năm. Thu nhập bình quân của người lao động làm việc thường xuyên trong HTX nông, lâm, ngư nghiệp ước đạt 46 triệu đồng/người/năm;

    - Các HTX nông, lâm nghiệp hoạt động ở 2 loại hình chủ yếu là: trực tiếp sản xuất (chăn nuôi gia súc, gia cầm; trồng cây lâm nghiệp, công nghiệp, cây lương thực...) và kinh doanh dịch vụ (làm đất, tưới tiêu, giống, vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật...).

    - HTX nuôi trồng thủy sản: Tiếp tục tập trung đầu tư mở rộng, cải tạo xử lý ao hồ để chăn nuôi cá thịt, cá giống nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân trên địa bàn tỉnh và các tỉnh bạn lân cận.

    Các HTX nông, lâm, thuỷ sản đóng vai trò tích cực trong việc nâng cao hiệu quả sản xuất, tạo việc làm, thúc đẩy kinh tế hộ phát triển, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, làm đầu mối trong việc chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Hiện tại trên địa bàn tỉnh có một số mô hình HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị sản phẩm, hàng hóa chủ lực của tỉnh, đó là: gạo, dứa, rau củ quả, miến dong, cá tầm, gia súc, gia cầm; trong đó điển hình là HTX Hồng Phước Nà Tấu đã được Hội nông dân Việt Nam công nhận là HTX tiêu biểu toàn quốc năm 2023; HTX DVTH Thanh Yên, HTX nông sản sạch Điện Biên, HTX Nông nghiệp cao Phú Mỹ Xanh ở huyện Điện Biên , HTX Dứa Mường Nhà ở huyện Điện Biên với chuỗi giá trị sản phẩm lúa, gạo; rau, củ, quả.

    2.2. Lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp

    Dự ước đến hết năm 2023:

    - Tỉnh có 23 HTX (trong đó có 15 HTX đang hoạt động, 08 HTX tạm ngừng hoạt động) trong lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp với 2.381 thành viên. Số lượng lao động làm việc thường xuyên trong HTX là 167 người (trong đó có số lượng lao động đồng thời là thành viên là 152 người). Doanh thu bình quân của HTX đạt 862 triệu đồng/năm; lãi bình quân của HTX đạt 83 triệu đồng/năm; thu nhập bình quân của thành viên ước đạt 50 triệu đồng/người/năm.

    Các HTX Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp đã cơ bản phát huy được nội lực, tiềm năng, thế mạnh của ngành nghề truyền thống, nguyên liệu sẵn có của địa phương để phát triển kinh doanh, năng động và mạnh dạn đầu tư đổi mới công nghệ, mua sắm thiết bị, mở rộng nhà xưởng, chú trọng nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, từng bước đáp ứng yêu cầu của thị trường, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống cho các thành viên, tạo việc làm cho lao động khu vực nông thôn tiêu biểu là các HTX Làng nghề mây tre đan Nà Tấu, đồ thủ công mỹ nghệ Anh Minh, HTX Thổ cẩm Lào Na Sang II.

    2.3. Lĩnh vực xây dựng

    Dự ước đến hết năm 2023:

    - Tỉnh có 40 HTX trong lĩnh vực xây dựng với 367 thành viên (trong đó có 21 HTX đang hoạt động, 19 HTX tạm ngừng hoạt động). Số lượng lao động làm việc thường xuyên trong HTX là 189 người (trong đó có 172 lao động đồng thời là thành viên). Doanh thu bình quân của HTX đạt 1.817 triệu đồng/năm; lãi bình quân của HTX đạt 192 triệu đồng/năm; thu nhập bình quân của thành viên ước đạt 46 triệu đồng/người/năm.

    Các HTX xây dựng trên địa bàn tỉnh hầu hết có quy mô nhỏ và vừa. Các HTX đã tập trung huy động vốn, đầu tư phương tiện vận tải, máy móc thiết bị để mở rộng khai thác, sản xuất vật liệu và thi công các công trình xây dựng. Một số HTX tiêu biểu như: HTX sản xuất vật liệu xây dựng Hà Nam Bình, HTX thương mại và dịch vụ Mạnh Hùng …

    2.4. Lĩnh vực thương mại

    Dự ước đến hết năm 2023:

    - Toàn tỉnh có 26 HTX hoạt động trong lĩnh vực thương mại với 205 thành viên (trong đó có 20 HTX đang hoạt động, 6 HTX tạm ngừng hoạt động). Số lượng lao động làm việc thường xuyên trong HTX là 168 người (trong đó có số lượng lao động đồng thời là thành viên là 153 người). Dự kiến doanh thu bình quân của HTX là 865 triệu đồng/HTX/năm; lợi nhuận bình quân đạt 85 triệu đồng/HTX/ năm, thu nhập bình quân của thành viên trong HTX đạt 53 triệu đồng/người/năm.

    Một số HTX đã tổ chức các ngành nghề mới xuất phát từ nhu cầu và điều kiện thực tế của địa phương: Quản lý, kinh doanh và khai thác chợ (HTX Chợ Suối Lư); vệ sinh môi trường (HTX Thành Long); dịch vụ ăn uống, du lịch sinh thái (HTX Pha Đin, HTX Hiền Long). Địa bàn hoạt động của các HTX này đều ở khu vực thị trấn, thị tứ và khu vực vùng cao biên giới. Tuy phạm vi hoạt động còn hẹp, hiệu quả chưa cao, song các HTX đã cơ bản đáp ứng nhu cầu của các thành viên và thị trường, góp phần giữ gìn và bảo vệ môi trường. Một số HTX thương mại còn kết hợp hoạt động nhiều ngành nghề khác như: Dịch vụ vận tải, thu mua chế biến nông, lâm sản, kinh doanh vật liệu xây dựng, nhà hàng ăn uống tiêu biểu như HTX Thương Mại và Dịch vụ Mạnh Hùng...

    2.5. Lĩnh vực vận tải

    Dự ước đến hết năm 2023:

    - Toàn tỉnh có 6 HTX vận tải hành khách - hàng hoá (trong đó có 3 HTX đang hoạt động, 3 HTX tạm ngừng hoạt động) với 140 thành viên tham gia. Số lượng lao động làm việc thường xuyên trong HTX là 128 người (trong đó có số lượng lao động đồng thời là thành viên là 117 người). Dự kiến doanh thu bình quân của HTX là 7.850 triệu đồng/HTX/năm; lợi nhuận bình quân đạt 60 triệu đồng/HTX/ năm, thu nhập bình quân của thành viên trong HTX đạt 85 triệu đồng/người/năm.

    Các HTX chủ yếu thực hiện các dịch vụ cho thành viên về hợp đồng mở các luồng tuyến; khai thác các hợp đồng vận tải; quản lý và điều hành tuyến lốt cho xe... từ đầu năm đến nay, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn song các HTX vẫn đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ thành viên như: tư vấn, tạo điều kiện cho thành viên đầu tư đổi mới, nâng cấp phương tiện vận tải hiện đại; tuyên truyền, cung cấp các văn bản pháp luật an toàn giao thông để thành viên áp dụng thực hiện; đổi mới phương thức quản lý và phong cách phục vụ hành khách... Hoạt động của các HTX vận tải ngày càng có vai trò quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hoá, đi lại của nhân dân và luôn giữ được thị phần kinh doanh vận tải trên địa bàn, tiêu biểu như HTX vận chuyển hành khách, hàng hoá và dịch vụ thành phố Điện Biên Phủ.

    Từ đầu năm đến nay, tỉnh đón một lượng lớn du khách về thăm quan các điểm du tích lịch sử mới do đó các HTX vận chuyển khách, hàng hóa và dịch vụ phát triển nhanh, mạnh, nguồn thu tăng cao và ổn định so với cùng kỳ năm trước.

    3. Đánh giá tác động của HTX, THT tới thành viên, kinh tế hộ thành viên

    - HTX đang là mô hình tổ chức kinh tế phù hợp, góp phần giải quyết nhiều hạn chế của kinh tế hộ, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho lao động tại chỗ, thúc đẩy phát triển sản phẩm chủ lực của mỗi địa phương và của tỉnh; đồng thời là đầu mối quan trọng trong việc tập hợp thành viên, hộ kinh doanh cá thể thành tổ chức hoạt động bài bản, uy tín, tuân thủ pháp luật hiện hành. Nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế nói chung, kinh tế tập thể nói riêng được triển khai qua các HTX, THT, bảo đảm công tác quản lý, sử dụng các nguồn lực hiệu quả, tập trung, có trọng điểm.

    - Hoạt động HTX đã có nhiều chuyển biến rõ nét, chất lượng, hiệu quả được nâng lên, nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo được nhân rộng, nhiều sản phẩm đặc trưng, thế mạnh của địa phương thông qua HTX đã phát triển theo hướng hàng hóa. Hoạt động sản xuất kinh doanh của các HTX được đẩy mạnh, đi vào chiều sâu thúc đẩy hình thành liên kết giữa các HTX, THT với doanh nghiệp và người tiêu dùng, mang lại nhiều giá trị và lợi ích hơn cho thành viên. Thông qua mô hình HTX, THT các thành viên, hộ kinh doanh cá thể được trao đổi, học tập kinh nghiệm, tăng cường kiến thức, kỹ năng về sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa, tiết kiệm chi phí sản xuất, tối ưu hóa hiệu quả kinh doanh.

    Các HTX, THT hoạt động hiệu quả đã góp phần lan tỏa tinh thần hợp tác, đoàn kết trong cộng đồng, khuyến khích liên kết, hợp tác, phát huy dân chủ trong hoạt động kinh tế, tương trợ khi gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh. Việc phát triển các mô hình HTX, THT thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế, đặc biệt tại khu vực nông thôn, trở thành động lực, tiên phong trong phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, là nhân tố quan trọng để xây dựng nông thôn mới bền vững, mang lại đời sống âm no cho thành viên và nhân nhân trên địa bàn. Các HTX, THT đang là nhân tố tích cực nhất trong phong trào mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

    4. Một số mô hình hoạt động hiệu quả theo phương thức sản xuất gắn với chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao

    Trên địa bàn tỉnh Điện Biên có một số mô hình HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị sản phẩm, hàng hóa chủ lực của tỉnh phù hợp điều kiện tự nhiên và kinh tế địa phương (như gạo, miến dong, dứa, rau củ quả, gia súc, gia cầm), trong đó điển hình là các HTX: Dịch vụ tổng hợp Thanh Yên (Đội 2 xã Thanh Yên, huyện Điện Biên), Hồng Phước Nà Tấu (Bản Tà Cáng 2, xã Nà Tấu, TP Điện Biên),  HTX Na Sang (bản Na Sang, xã Na Sang, huyện Mường Chà), HTX Dược liệu Tây Bắc (bản Huổi Lóng, xã Mùn Chung, Tuần Giáo), HTX nông nghiệp - xây dựng - dịch vụ Mường Toong (UBND xã Mường Toong , Mường Toong, Mường Nhé), HTX Dứa Mường Nhà (Bản Pu Lau, xã Mường Nhà, huyện Điện Biên), HTX NN Công nghệ cao Phú Mỹ Xanh (Đội 17 xã Thanh Xương, huyện Điện Biên), HTX dịch vụ nông nghiệp Mường Báng (Đội 9, xã Mường Báng, huyện Tủa Chùa), Hợp tác xã dịch vụ dịch vụ nông nghiệp Mường Đun (bản Đun, xã Mường Đun, huyện Tủa Chùa); đồng thời một số hợp tác xã có sự đổi mới về phương thức hoạt động, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất hiệu quả, đặc biệt xuất hiện ngày càng nhiều hợp tác xã nông nghiệp tham gia liên kết chuỗi, làm cầu nối gắn kết sản xuất giữa các hộ dân với cơ sở chế biến, tiêu thụ sản phẩm như: Hợp tác xã Nông nghiệp H&T (bản Háng Trợ, Pu Nhi, Điện Biên Đông), hợp tác xã Nông nghiệp Na Ngua (bản Na Ngua, xã Luân Giói, Điện Biên Đông) tham gia liên kết trồng cây Mắc ca. Hợp tác xã Anh Thơ Luân Giói (bản Luân Giói B, xã Luân Giói, Điện Biên Đông), hợp tác xã thương mại dịch vụ tổng hợp Tìa Dình (bản Tìa Dình 2, xã Tìa Dình, Điện Biên Đông) tham gia chuỗi liên kết các sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện.

    Từ những kết quả trên, khu vực KTTT của tỉnh đã và đang khẳng định được vị trí, vai trò đối với kinh tế hộ và kinh tế địa phương trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập và đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới.

     

  • ĐƯỜNG DÂY NÓNG
    Văn phòng Sở KH & ĐT
    0215.382.5409
    Phòng Đăng ký kinh doanh
    0215. 382.5896
    Trung tâm Xúc tiến đầu tư
    0215.383.8686
  • Thắp sáng đường quê