Chào mừng quý bạn đọc đến với Trang thông tin điện tử Sở Kế hoạch Đầu tư
  • 1 5 4 7 0 5 5
    Hôm nay
    Hôm qua
    Tuần này
    Tuần trước
    Tháng này
    Tháng trước
    Tất cả các ngày
    18
    27
    57
    1546826
    670
    675
    1547055
    LIÊN KẾT WEB
  • Tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng năm 2023
  • Thời gian đăng: 22/08/2023 06:37:04 AM
  • Tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh tiếp tục đạt được một số kết quả nổi bật: Các ngành sản xuất phát triển tương đối ổn định, trong đó lĩnh vực dịch vụ tiếp tục có bước phát triển mạnh, cơ bản khôi phục và tăng so với thời kỳ trước dịch bệnh. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng khá so với cùng kỳ năm trước. Tiến độ triển khai dự án Nâng cấp mở rộng CHK Điện Biên cơ bản đáp ứng yêu cầu. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục đào tạo,... được tập trung thực hiện, đạt được những kết quả tích cực, nhất là việc tổ chức thành công kỳ thi THPT quốc gia năm 2023 và công tác triển khai các chính sách an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo trên địa bàn tỉnh. Công tác cải cách hành chính tiếp tục được cải thiện. Chủ quyền biên giới Quốc gia được giữ vững, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế tiếp tục được duy trì, phát huy và mở rộng.
  • I. Về kinh tế

    1. Về sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản

    1.1. Sản xuất nông nghiệp

    a) Cây lương thực:

    - Lúa mùa: Diện tích gieo cấy trong tháng 8 ước đạt 4.097,51 ha, lũy kế từ đầu năm đến tháng 8/2023 diện tích gieo cấy đạt 46.717,48 ha, giảm 1,89% so với cùng kỳ năm trước.

    - Cây ngô: Diện tích gieo trồng trong tháng 8 ước đạt 153,47 ha, giảm 48,5% so với cùng kỳ năm trước; diện tích thu hoạch ước đạt 398,98 ha giảm 69% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng thu hoạch ước đạt 1.654,39 tấn giảm 56% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế đến hết tháng 8 sản lượng thu hoạch ước đạt 68.052 tấn giảm 4,6% so với cùng kỳ năm trước.

    - Rau các loại: Trong tháng 8, diện tích gieo trồng đạt 450,14 ha, diện tích thu hoạch đạt hơn 296,91 ha, sản lượng thu hoạch ước đạt hơn 5.461,1 tấn, tăng 2,25% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế đến tháng 8 sản lượng thu hoạch đạt hơn 61.005 tấn, xấp xỉ cùng kỳ năm trước.

    b) Cây công nghiệp dài ngày

    - Cây cà phê diện tích đạt 2.639,3ha, tăng 162,90ha so với cùng kỳ năm trước, đạt 100,21% kế hoạch, giá cà phê năm 2023 tăng cao nên hiệu quả kinh tế của người trồng cà phê có cải thiện tích cực.

    - Cây Cao su diện tích đạt 5.010,03 ha, giảm 10,94 ha so với cùng kỳ năm trước, đạt 99,78% kế hoạch (diện tích đang trong thời kỳ khai thác là 4.454,97 ha). Sản lượng mủ cao su thu hoạch ước đạt 1.365,14 tấn, tăng 7,57% so với cùng kỳ năm trước, đạt 26,12% kế hoạch.

    - Cây chè: 612,89ha, sản lượng chè búp tươi ước đạt 38,69 tấn, giảm 2,13 tấn so với cùng kỳ năm trước, đạt 29,76% kế hoạch.

    - Cây Mắc ca: Các nhà đầu tư trồng mắc ca đã tổ chức đo đạc quy chủ được 2.096 ha đất trong vùng thực hiện dự án, đạt tỷ lệ 27% so với quy mô đầu tư. Diện tích cây mắc ca trồng mới đạt 157 ha tăng 122,4ha cùng kỳ năm trước.Tổng diện tích Mắc ca đã trồng là 4.932,96 ha tăng 34,74% cùng kỳ năm trước, trong đó diện tích cho thu hoạch là 385 ha.

    c) Cây ăn quả:Sản xuất trong kỳ chủ yếu tập trung chăm sóc các diện tích cây ăn quả hiện có; diện tích cây ăn quả hiện có đạt 3.982ha. Tổng sản lượng ước đạt 9.365,3 tấn, tăng 15,38 tấn so với cùng kỳ năm trước, với các cây trồng chủ yếu như xoài, chuối, dứa, bưởi.

    1.2. Chăn nuôi - thủy sản

    Tình hình chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh phát triển tương đối ổn định. Đàn gia súc vẫn luôn được chú trọng phát triển, các chính sách ưu tiên hỗ trợ về giống và đầu tư chuồng trại vẫn tiếp tục được quan tâm, giúp các hộ chăn nuôi phát triển sản xuất. Tổng đàn gia súc (trâu, bò, lợn) toàn tỉnh ước đạt:  551.657 con, tăng 2,48% so với cùng kỳ năm trước đạt 98,9% kế hoạch trong đó: Đàn trâu có khoảng 137.470 con, tăng hơn 1,47% so với cùng kỳ năm trước đạt 98,9% kế hoạch; đàn bò 99.509 con, tăng 4,02% so với cùng kỳ năm trước đạt 98,6% kế hoạch; đàn lợn 314.678 con, tăng 2,44% so với cùng kỳ năm trước, đạt 99 % kế hoạch. Đàn gia cầm: 4.771,39 nghìn con, tăng 2,52% so với cùng kỳ năm trước, đạt 98,9% kế hoạch năm.

    Tổng sản lượng thủy sản trong tháng ước đạt 385,75 tấn, lũy kế đến hết tháng 8 ước đạt 3.110,26 tấn, tăng hơn 3,44% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: sản lượng nuôi trồng ước đạt 363,33 tấn tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng khai thác 22,42 tấn  giảm 0,5% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế đến tháng 8 diện tích nuôi trồng thủy sản ước đạt 2.928,3 ha, tăng 3,67 ha so với cùng kỳ năm trước, sản lượng thủy sản khai thác đạt 182,23 tấn giảm 0,1 % so với cùng kỳ năm trước.

    1.3. Lâm nghiệp

    Tỷ lệ che phủ rừng ước đạt 43,54%, tăng 0,58% so với cùng kỳ năm trước, đạt 98,95% kế hoạch. Bảo vệ rừng tự nhiên 409.857 ha, đạt 100% kế hoạch; khoanh nuôi tái sinh rừng: 17.818,22 ha, đạt 110,5% kế hoạch; chuẩn bị hiện trường trồng rừng 145ha/415 ha, đạt 34,9% kế hoạch; đã thanh toán khoảng 100 tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng cho các chủ rừng; Tiền dịch vụ môi trường rừng kết quả thu hơn 1,608 tỷ đồng.

    Sản lượng gỗ khai thác ước 5.981m3, giảm 5,17% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng củi khai thác ước đạt 404.408 ste, giảm 0,6% so với cùng kỳ năm trước.Lũy kế từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 07 vụ cháy rừng, diện tích rừng bị cháy 2,94 ha; phát hiện 271 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, tăng 23 vụ so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó đã tiến hành xử lý 162 vụ, tịch thu 60.741 m3 gỗ các loại và nộp ngân sách 1.151,65 triệu đồng. Trong tháng 8/2023, trên địa bàn tỉnh đã phát hiện 16 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, tăng 10 vụ (tăng 166,67%) so với cùng kỳ năm ngoái, cụ thể: Hành vi phá rừng trái pháp luật: 07 vụ, tăng 07 vụ (tăng 700%) so với cùng kỳ năm ngoái;Khai thác rừng trái pháp luật: 02 vụ, tăng 01 vụ (100%) so với cùng kỳ năm ngoái;Vận chuyển lâm sản trái pháp luật: 06 vụ, tăng 05 vụ (tăng 500 %) so với cùng kỳ năm ngoái;Tàng trữ, mua bán, chế biến lâm sản trái pháp luật: 0 vụ; giảm 04 vụ (giảm 100 %) so với cùng kỳ năm ngoái;  Vi phạm các quy định về bảo vệ động vật rừng: 01 vụ; tăng 01 vụ (tăng 100%) so với cùng kì năm ngoái. Tổng số vụ đã xử lý: 25 vụ, tăng 20 vụ (tăng 400%) so với cùng kỳ năm ngoái:  Xử lý hành chính: 18 vụ.Xử lý hình sự: 07 vụ. Thu nộp ngân sách: Lâm sản tịch thu: Gỗ các loại 76,36 m3.Tổng số tiền đã nộp ngân sách: 134,474 triệu đồng.

    Thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin Dự báo khí tượng thủy văn của Đài khí tượng thủy văn Điện Biên và thông tin cảnh báo cháy rừng trên trang thông tin điện tử của Cục Kiểm lâm, để kịp thời thông báo cấp dự báo cháy rừng khi cấp dự báo cháy rừng ở cấp III, IV, V đến các cơ quan, đơn vị và chủ rừng, để kịp thời triển khai các biện pháp QLBVR, PCCCR phù hợp, hiệu quả.

    Nhiệm vụ giao đất, giao rừng được đôn đốc triển khai quyết liệt, đến tháng 8/2023, các huyện, thị xã, thành phố đã tiến hành rà soát, đo đạc, lập hồ sơ địa chính được 284.362,88 ha/359.903,89 ha, đạt 79% kế hoạch. Trong đó có 08/10 đơn vị cấp huyện (trừ huyện Điện Biên và thành phố Điện Biên Phủ) đã thực hiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp có rừng với diện tích đạt 33.393,1ha, đạt 105,1% so với Kế hoạch số 2783/KH-UBND ngày 20/9/2019 của UBND tỉnh; 03/10 đơn vị cấp huyện (gồm: Mường Nhé, Mường Chà, Mường Ảng) thực hiện việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp chưa có rừng với diện tích 13.034,31ha, đạt 4,8% so với khối lượng theo kế hoạch phải thực hiện.

    2. Về sản xuất công nghiệp, xây dựng

    2.1. Công nghiệp

    Giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh 2010) 8 tháng ước đạt 2.146,54 tỷ đồng tăng 5,24% so với cùng kỳ năm trước, đạt 61,49% kế hoạch năm, trong đó: Công nghiệp khai thác mỏ tăng 30,66%; công nghiệp chế biến tăng 18,4%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí giảm 42,16%; hoạt động quản lý và xử lý rác thải tăng 22,74%. Trong năm có thêm nhà máy thủy điện (Huổi Chan 1) đã hoàn thành đưa vào vận hành khai thác với công suất 15MW, nâng tổng số nhà máy thủy điện đang vận hành khai thác là 18 nhà máy, với tổng công suất 263,3MW; 06 dự án thủy điện đang thi công xây dựng, tổng công suất lắp máy là 76,5MW. Tuy nhiên do thời tiết nắng nóng và hạn hán kéo dài, lưu lượng nước về các hồ chứa thủy điện ít, dẫn đến các nhà máy không đủ nước để phát điện theo công suất thiết kế, sản lượng điện chỉ bằng 56,93% so với cùng kỳ năm trước và chỉ đạt 40,03% so với kế hoạch năm.

    2.2. Xây dựng

    Giá trị sản xuất ngành xây dựng (giá so sánh 2010) ước đạt 5.086 triệu đồng, tăng 17,54% so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động và hiệu quả sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp công nghiệp, xây dựng sản xuất đã ổn định, sản phẩm, sản lượng tăng so vớicùng kỳ, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Công tác quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng tiếp tục được tăng cường, tập trung chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ chất lượng các công trình xây dựng; Thực hiện tốt nhiệm vụ rà soát, triển khai lập, điều chỉnh nhiều đồ án, phương án quy hoạch trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ, huyện Điện Biên đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất, có tầm nhìn, làm cơ sở cho việc xây dựng chủ trương và thu hút đầu tư các dự án trên địa bàn.

    3. Hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch, vận tải, xuất nhập khẩu

    3.1. Hoạt động thương mại

    Hoạt động thương mại dịch vụ và lưu thông hàng hóa trên địa bàn tỉnh tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2023tăng trưởng tích cực, hàng hóa trên thị trường phong phú đáp ứng nhu cầu cho sản xuất và tiêu dùng của nhân dân. Các sự kiện văn hóa, du lịch, lễ hội diễn ra sôi độngđã thu hút lượng lớn khách du lịch đến Điện Biên do đó nhu cầu ăn nghỉ, mua sắm, vui chơi giải trí tăng mạnh đã tác động làm tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ. Dự ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng8 tháng đạt13.040,42 tỷ đồng, tăng 26,97% so với cùng kỳ năm trước, đạt 62,1% so với kế hoạch năm.

    3.2. Dịch vụ du lịch

    Việc tổ chức thành công các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch, khai thác, quảng bá có hiệu quả các công trình điểm nhấn như tranh Panorama, Đền thờ liệt sỹ, quần thể di tích lịch sử Điện Biên Phủ… cùng với việc gỡ bỏ hạn chế đi lại, nhập cảnh sau dịch Covid đã thu hút một lượng lớn khách du lịch trong và ngoài nước đến địa bàn tỉnh. Cụ thể: Lượng khách du lịch trên địa bàn đến tháng 8/2023 ước đạt 700.730 lượt (đạt 75% kế hoạch, tăng 64,22% so với cùng kỳ năm 2022), trong đó khách quốc tế đạt 5.613 lượt (đạt 56% kế hoạch, gấp 4,13 lần so với cùng kỳ năm 2022); tổng doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 1.225,7 tỷ đồng (đạt 77% kế hoạch, gấp 1,8  lần so với cùng kỳ năm 2022).

    3.3. Dịch vụ vận tải hàng hóa và hành khách

    Hoạt động vận tải có chiều hướng tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Dự ước 8 tháng đầu năm 2023, khối lượng hành khách luân chuyển đạt 251,05 triệu HK.Km, tăng 126,52% so với cùng kỳ năm trước, đạt 81,26% so với kế hoạch đề ra năm 2023. Khối lượng vận chuyển hàng hóa đạt hơn 4,81 triệu tấn, tăng 87,36% so cùng kỳ năm trước, đạt 88,19% kế hoạch năm.Khối lượng hàng hóa luân chuyển đạt 234,64 triệu tấn.km, tăng 82,45% so với cùng kỳ năm trước, đạt 77,78% kế hoạch năm. Tổng doanh thu của hoạt động vận tải ước đạt 892,26 tỷ đồng, tăng 92,16% so với cùng kỳ năm trước.

    3.4. Hoạt động xuất nhập khẩu

    Tình hình hoạt động xuất nhập khẩu, dịch vụ và hoạt động trao đổi thương mại biên giới 8 tháng đầu năm 2023đã đi vào ổn định sau 3 năm bị hạn chế do dịch Covid 19. Cửa khẩu quốc gia Huổi Puốc cũng bắt đầu hoạt động thông quan, cửa khẩu phụ, lối mở biên giới với Lào đã được hoạt động trao đổi cư dân biên giới trở lại. Không có tình trạng ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ 08 tháng ước đạt 52,90 triệu USD, giảm 12,85% so với cùng kỳ năm trước, đạt 44,08% kế hoạch năm, trong đó: Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 38,94 triệu USD, giảm 15,68% so với cùng kỳ năm trước và đạt 48,68% kế hoạch năm. Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là hàng nông sản, hàng hóa tiêu dùng trong nước và vật liệu xây dựng (sắt thép xây dựng…). Kim ngạch nhập khẩu ước đạt đạt 13,96 triệu USD, giảm 3,86% so với thực hiện cùng kỳ năm trước, đạt 34,9% kế hoạch năm. Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu trong kỳ qua cửa khẩu quốc tế Tây Trang là hàng nông lâm thổ sản, gỗ, máy móc thiết bị.

    4. Về thu chi ngân sách

    Dự ước tổng thu ngân sách địa phương 8 tháng đầu năm 2023 là 9.709,58 tỷ đồng, đạt 68,03% dự toán HĐND tỉnh giao. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 954,31 tỷ đồng, bằng 39,11% dự toán HĐND tỉnh giao, bằng 59,82% dự toán Trung ương giao. Dự ước tổng chi ngân sách địa phương 08 tháng đầu năm 2023 là 8.400 tỷ đồng, đạt 58,58% dự toán HĐND tỉnh giao. Trong đó: Chi đầu tư phát triển là 3.577 tỷ đồng, đạt  67,91% dự toán giao; Chi thường xuyên ước thực hiện 4.819 tỷ đồng, đạt 54,52% dự toán HĐND tỉnh giao.

    5. Thực hiện vốn đầu tư phát triển

    Nguồn lực đầu tư từ các thành phần kinh tế tiếp tục gia tăng, tỷ trọng huy động vốn ngoài ngân sách nhà nước tăng khá, góp phần quan trọng trong thực hiện mục tiêu huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển. Dự ước tổng vốn đầu tư toàn xã hội 8 tháng đầu năm 2023 đạt 10.982 tỷ đồng, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 54,52% kế hoạch, trong đó: Vốn đầu tư từ khu vực nhà nước là 4.779tỷ đồng, chiếm 43,52%, tăng 17,53% so với cùng kỳ năm trước; vốn khu vực ngoài nhà nước (vốn của tổ chức doanh nghiệp ngoài nhà nước và vốn đầu tư của khu vực dân cư)6.202 tỷ đồng, chiếm 56,48%, tăng 34,25% so với cùng kỳ năm trước.

    Tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2023 Thủ tướng Chính phủ giao cho tỉnh quản lý là 4.624.531triệu đồng; đã phân bổ chi tiết là 4.624.531triệu đồng, đạt 100% số vốn Thủ tướng Chính phủ giao. Ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, sát sao và thường xuyên đôn đốc các sở, ban, ngành tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố, các chủ đầu tư triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng, tiến độ và giải ngân thanh toán. Lũy kế giải ngân kế hoạch vốn đầu tư nguồn NSNN năm 2023 đến 31/7/2023 là 1.461.801/4.624.531 triệu đồng, đạt 31,61% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao. Thanh toán vốn kế hoạch kéo dài từ năm 2022 sang năm 2023 (không bao gồm nguồn dự phòng NSTW) là 252.242/615.460 triệu đồng, đạt 40,98%. Ước thanh toán kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước năm 2023 đến 31/8/2023 là 1.769.882/4.624.531 triệu đồng, đạt 38,27% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao.

    6. Hoạt động tài chính ngân hàng

    Hoạt động ngân hàng đã bám sát chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Trung ương trong thực hiện quản lý hoạt động tài chính, tiền tệ trên địa bàn đảm bảo chặt chẽ, đúng định hướng. Tổng nguồn vốn huy động của các NHTM, NHCSXH tỉnh ước thực hiện đến 31/8/2023 là 16.450 tỷ đồng, giảm 1,88% so với 31/7/2023 (16.450/16.766 tỷ đồng). Tổng dư nợ tín dụng thực hiện đến 31/8/2023 là 20.020 tỷ đồng, giảm 0,29% so với 31/7/2023 (20.020/20.079 tỷ đồng). Nợ xấu của các NHTM, NHCSXH ước đến ngày 31/8/2023 chiếm 1,75%/tổng dư nợ.

    II. Về văn hóa - xã hội

    1. Các hoạt động văn hóa, thể thao và thông tin - truyền thông

    a) Về hoạt động văn hóa, thể thao

    Việc tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ phục vụ nhiệm vụ chính trị, các ngày lễ lớn và các giải thể thao khu vực và toàn quốc do tỉnh đăng cai đã tạo không khí sôi nổi, đậm nét văn hóa truyền thống các dân tộc, mang lại ấn tượng sâu đậm trong lòng du khách góp phần quảng bá, thu hút du khách đến với tỉnh Điện Biên. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được triển khai thực hiện rộng khắp gắn với phong trào “xây dựng nông thôn mới” đã góp phần xây dựng nếp sống văn minh ở cơ sở. Di sản văn hóa của các dân tộc tiếp tục được bảo tồn, phát huy giá trị, đặc biệt là phát huy giá trị di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ trong phát triển kinh tế - xã hội; quan tâm triển khai công tác nghiên cứu, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc góp phần gìn giữ vốn tinh hóa văn hóa các dân tộc trong tỉnh.

    Phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” tiếp tục được triển khai và nâng cao chất lượng; thành tích thi đấu của các vận động viên ngày càng được nâng cao; đã tham gia 08 giải thi đấu khu vực và toàn quốc đạt 39 huy chương các loại, trong đó có 30 huy chương từ các giải thể thao thành tích cao; tỉnh có 01 vận động viên tham gia đội tuyển Quốc gia Việt Nam, dự giải Vô địch Karate Đông Nam Á tại Philippin đạt 01 HCV, 01 HCĐ; tham gia Seagame 32 tại Campuchia đạt 01 HCV.

    b) Về hoạt động thông tin - truyền thông

    Chất lượng cung cấp dịch vụ viễn thông, internet được nâng cao. Mức độ phổ cập điện thoại thông minh, internet và sử dụng dữ liệu trong Nhân dân ngày càng tăng. Hạ tầng viễn thông tiến tục được nâng cấp chất lượng được nâng lên, từng bước đáp ứng vai trò là hạ tầng kinh tế kỹ thuật quan trọng phục vụ tiến trình chuyển đổi số.

    Hạ tầng số tại các cơ quan Nhà nước đã được đầu tư xây dựng cơ bản đáp ứng nhu cầu triển khai các ứng dụng dịch vụ số, xây dựng Chính quyền số của tỉnh và đang tiếp tục được đầu tư hoàn thiện qua việc triển khai nền tảng công nghệ thành phố thông minh (IOC); an toàn hệ thống thông tin tiếp tục được đảm bảo.Cơ sở dữ liệu (CSDL) dùng chung tiếp tục được triển khai xây dựng bao gồm CSDL Ngành nông nghiệp và Phát triển nông thôn, CSDL quản lý cán bộ CCVC, Hướng dẫn quản lý, khai thác Kho dữ liệu cơ quan, kho dữ liệu lưu trữ trên phần mềm Quản lý văn bản và điều hành

    Toàn tỉnh hiện có 55 doanh nghiệp công nghệ số (doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin), 26 doanh nghiệp nền tảng số; 738 doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt 66,3%, trong đó có gần 200 doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số để chuyển đổi số trong các hoạt động quản lý điều hành, sản xuất kinh doanh (trên cổng SMEdx https://smedx.mic.gov.vn) đạt 19%. Số lượng doanh nghiệp thực hiện nộp thuế điện tử đạt 97,9%.

    Các nhiệm vụ trọng tâm của Đề án 06 được quan tâm, quyết liệt triển khai trên địa bàn; công tác tuyên truyền về Đề án và phương thức thay thế sổ hộ khẩu, sổ tạm trú được triển khai bằng nhiều hình thức, nhiều thứ tiếng dân tộc để người dân và doanh nghiệp tiếp cận. Ban Chỉ đạo Đề án 06 tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động được sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các địa phương, sự đồng lòng, ủng hộ nhiệt tình của quần chúng nhân dân trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ, đặc biệt là 18 nhiệm vụ trọng tâm của năm 2023, đến nay nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đạt được những kết quả tích cực, trong tốp các tỉnh dẫn đầu toàn quốc về thực hiện Đề án 06.

    Hoạt động phát thanh, truyền hình, thông tin - báo chí - xuất bảnđảm bảo đáp ứng được yêu cầu thông tin và tuyên truyền của nhân dân, tập trung vào đường lối Đảng, chính sách, pháp luật và tình hình quốc gia. Hoạt động xuất bản, in, phát hành trên địa bàn tỉnh phát triển ổn định. Các xuất bản được đảm bảo đúng nội dung, không có xuất bản phẩm vi phạm. Tổng doanh thu hoạt động in, phát hành đến tháng 08/2023 ước đạt 16 tỷ đồng.

    2. Giáo dục - Đào tạo

    Sự nghiệp Giáo dục và Đào tạo đạt được nhiều kết quả quan trọng. Quy mô, mạng lưới trường lớp tiếp tục được rà soát, sắp xếp hợp lý; cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học được quan tâm đầu tư, nâng cấp theo hướng đồng bộ, hiện đại. Chuẩn bị tốt các điều kiện và triển khai hiệu quả, đúng quy định Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 theo lộ trình, phù hợp điều kiện thực tế. Đã chuẩn bị và tổ chức tốt Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 đảm bảo an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế. Các chỉ tiêu huy động dân số trong độ tuổi đến trường cơ bản đều đạt và vượt kế hoạch giao. Kết quả phổ cập giáo dục, xóa mù chữ tiếp tục duy trì vững chắc và từng bước nâng cao các chỉ số, tiêu chí đạt chuẩn theo quy định. Công tác KĐCLGD và xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia được quan tâm. Tỷ lệ trường mầm non và phổ thông đạt chuẩn quốc gia là 77,54% vượt kế hoạch UBND tỉnh giao (76,96%). Tỷ lệ trường mầm non và phổ thông được công nhận trường đạt KĐCLGD đạt 74,08%. Đến tháng 8/2023 toàn tỉnh tuyển mới đào tạo nghề cho 4.680 người; chia theo cấp trình độ: trung cấp: 70 người; sơ cấp: 2.805 người và đào tạo dưới 3 tháng: 1.805 người (có 3.890 người được hỗ trợ học nghề ngắn hạn từ các chương trình, đề án); đạt 56,39% kế hoạch UBND tỉnh giao; tăng 40,92% so với cùng kỳ năm 2022). Học viên tốt nghiệp: 2.120 người.

    3. Về y tế và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân

    a)Công tác khám chữa bệnh và phòng chống dịch bệnh dịch bệnh chung

    Tập trung phối hợp với các ngành, các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt, triển khai đầy đủ và có hiệu quả các hoạt động về phòng, chống dịch bệnh nhóm A; các dịch bệnh mới phát sinh trên thế giới, các nước trong khu vực ASEAN; các bệnh lưu hành tại địa phương như COVID-19, Bệnh than, các bệnh trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng như sởi, bạch hầu…Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả theo chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương về phòng, chống dịch COVID-19 theo tinh thần Nghị quyết số 38/NQ-CP ngày 17/3/2022 của Chính phủ.

    Tiếp tục nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế dự phòng, y tế cơ sở, bảo đảm về nhân lực, thuốc điều trị, trang thiết bị y tế đáp ứng theo yêu cầu nhiệm vụ. Tiếp tục triển khai có hiệu quả chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 trong toàn tỉnh, trong đó tập trung tiêm chủng cho các đối tượng trẻ từ 4 lên 5 tuổi tiêm mũi 1, mũi 2 và các mũi nhắc lại, bổ sung. Công tác phòng, chống các dịch bệnh khác trên địa bàn tỉnh được triển khai thực hiện nghiêm túc, chủ động, đồng bộ, đảm bảo có thể chủ động đối phó với dịch khi có tình huống khẩn cấp xảy ra.

    Công tác phòng, chống tệ nạn xã hội tiếp tục được duy trì thực hiện tốt. Tính đến ngày 16/8/2023, toàn tỉnh tổ chức cai nghiện ma túy cho 709 người tại cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh, đạt 64,39%KH/năm, tăng 3,67% so với cùng kỳ năm trước(so với chỉ tiêu kế hoạch UBND tỉnh giao), đạt 71,61%KH/năm (so với chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh giao).Điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone tại 8 cơ sở điều trị và 35 điểm cấp phát thuốc cho 2.380 bệnh nhân, đạt 68,39% kế hoạch. Các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, tiếp tục được triển khai đồng bộ trên địa bàn tỉnh.

    b) Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm

    Chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác truyền thông, kiểm tra, giám sát VSATTP tại các cơ sở sản xuất chế biến thực phẩm, kinh doanh và dịch vụ ăn uống trên địa bàn toàn tỉnh. Đã tổ chức 130 đoàn thanh, kiểm tra liên ngành, chuyên ngành về ATTP. Thực hiện thanh, kiểm tra đối với 1.888 cơ sở. Kết quả: số cơ sở đạt yêu cầu về ATTP 1883/1888 cơ sở (chiếm 99,7%). Đã tổ chức thành công Hội nghị Tổng kết công tác đảm bảo an toàn thực phẩm năm 2022 và triển khai Kế hoạch “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” tỉnh Điện Biên năm 2023.

    Tiếp tục thực hiện công tác kiểm tra và cấp giấy Chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm cho các cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm đủ điều kiện trên địa bàn toàn tỉnh. Lũy tích cấp Giấy chứng nhận hoặc kỳ cam kết đảm bảo ATTP trên địa bàn toàn tỉnh đạt 97%. Trong đó: Tuyến tỉnh 100%; Tuyến huyện 99,3%; Tuyến xã 94,6%.

    4. Lao động, việc làm, an sinh xã hội và giảm nghèo

    Tập trung triển khai có hiệu quả công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm Tập trung triển khai có hiệu quả công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động. Tính đến tháng 8/2023: Toàn tỉnh giải quyết việc làm mới cho khoảng 6.095 lao động, đạt 66,97%KH, tăng 7,35% so với cùng kỳ năm trước.

    Các chính sách xã hội như trợ cấp, cứu đói, cấp phát bảo hiểm y tế cho các đối tượng chính sách xã hội tiếp tục được quan tâm thực hiện; tiếp tục chi trả trợ cấp xã hội hàng tháng cho 34.766 người; nuôi dưỡng 253 đối tượng trong cơ sở bảo trợ xã hội; tổ chức cấp phát khoảng313.395kg gạo cứu đói nhân dịp Tết Nguyên đán cho 4.744 hộ; tặng 47.525 suất quà tết cho gia đình chính sách, hộ nghèovà các đối tượng xã hội khác với tổng giá trị khoảng 18.230 triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn toàn tỉnh xuống còn 30,35%, tổng số hộ nghèo 41.706 hộ.

    Các chính sách an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm thực hiện hiệu quả, trọng tâm là công tác phối hợp Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Chương trình xây dựng nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh Điện Biên với số lượng 5.000 nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh nhận được sự quan tâm ủng hộ của đồng bào trong cả nước.

    III. Cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh

    Tiếp tục xây dựng, phát triển Chính quyền điện tử, tiến tới Chính quyền số tỉnh Điện Biên. Hiện nay, 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện được cung cấp trực tuyến toàn trình trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh và tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân khi giải quyết công việc, tăng tính công khai, minh bạch. Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến trên tổng số hồ sơ thủ tục hành chính đạt 69%. Thực hiện nghiêm kỷ cương hành chính gắn với trách nhiệm của người đừng đầu cơ quan, đơn vị, nâng cao chất lượng chuyên môn, đạo đức của cán bộ công chức trong thực thi công vụ.

    Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; kiện toàn cơ cấu, tổ chức bộ máy và chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện theo Nghị định số 107/2020/NĐ-CP và Nghị định số 108/2020/NĐ-CP ngày 14/9/2020 của Chính phủ; Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương rà soát, xây dựng phương án sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập, sắp xếp cơ cấu tổ chức bộ máy bên trong, số lượng cấp phó của đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị định số 120/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 của Chính phủ. Các cơ quan, đơn vị, địa phương đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp nhằm xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng, có cơ cấu hợp lý; thực hiện tuyển dụng gắn với vị trí việc làm và lộ trình tinh giản biên chế theo hướng công khai, minh bạch, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chuyên môn của cơ quan tuyển dụng; thực hiện nghiêm các quy định về bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức; chú trọng việc đào tạo, bồi dưỡng gắn với quy hoạch, kế hoạch bố trí, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức; thực hiện nghiêm việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát và kỷ luật hành chính. Tiếp tục chấn chỉnh thực hiện tốt hơn chế độ thông tin báo cáo của các cơ quan, ban ngành của các địa phương.

    Tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc các chủ trương, Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng và Nhà nước về CCHC, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cải cách TTHC, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính năm 2023 theo kế hoạch. Thực hiện tự đánh giá chấm điểm xác định Chỉ số CCHC cấp tỉnh năm 2022 theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ. Theo đó, điểm Chỉ số CCHC(Par index) năm 2022 của tỉnh Điện Biên đạt 86,30/100 điểm, xếp thứ 22/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tăng 02 bậc so với năm 2021, là năm chỉ số CCHC của tỉnh xếp thứ hạng cao nhất từ trước tới nay.

    Tiếp tục vận động xúc tiến, tạo điều kiện để các tập đoàn lớn như Danco, CME, Công ty Cổ phần đầu tư Khu công nghiệp Việt Nam, Công ty cổ phần đầu tư Đại An, Công ty Cổ phần Tập đoàn đầu tư AGroup khảo sát, đề xuất đầu tư một số dự án trên các lĩnh vực. Tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp trong thực hiện dự án đầu tư, chỉ đạo các sở ngành tăng cường công tác phối hợp trong giải quyết các thủ tục hành chính, đất đai, hỗ trợ giải phóng mặt bằng. Trong 8 tháng đầu năm 2023, UBND tỉnh Điện Biên đã quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho 07 dự án về lĩnh vực thủy điện, thương mại - dịch vụ, nông - lâm nghiệp, khu dân cư với tổng số vốn đăng kỳ đầu tư 2.888,396 tỷ đồng, giảm 32,95% so với cùng kỳ năm trước. Sở Kế hoạch và Đầu tư đã cấp Giấy chứng nhận đăng kỳ đầu tư cho tổng số 04 dự án. Luỹ kế202 dự án được cấp Giấy chứng nhận đăng kỳ đầu tư và quyết định chủ trương đầu tư, quyết định chấp thuận nhà đầu tư với tổng số vốn đăng kỳ là 45.007,595 tỷ đồng, trong đó: Có 120 dự án hoàn thành đi vào hoạt động với tổng vốn đăng kỳ 13.207,931 tỷ đồng; 82 dự án đang thực hiện đầu tư với tổng số vốn đăng kỳ thực hiện là 31.799,66 tỷ đồng, tổng vốn giải ngân của các dự án đang thực hiện là 3.028,5 tỷ đồng (bằng 9,5% số vốn đăng kỳ), trong đó có 16 dự án chậm tiến độ.

    UBND tỉnh Điện Biên đã tổ chức Hội nghị gặp mặt Doanh nghiệp và Nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh vào ngày 31/3/2023 nhằm đánh giá tình hình và giải quyết các tồn tại, khó khăn, vướng mắc thuộc trách nhiệm của cơ quan nhà nước, đẩy nhanh tiến độ các dự án, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Ngày 02/8/2023, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số cho các doanh nghiệp trên địa bàn nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các dịch vụ, giải pháp, sử dụng các nền tảng số, từng bước thực hiện chuyển đổi số góp phần giúp doanh nghiệp giảm chi phí, tối đa hoá hiệu suất làm việc, thích ứng linh hoạt, tăng tính minh bạch và hiệu quả, nâng cao giá trị sản phẩm, tính cạnh tranh làm tăng doanh thu, lợi nhuận cho doanh nghiệp.

    Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến chính sách liên quan tới hoạt động XTTM, TMĐT đến các tổ chức, doanh nghiệp. Tập trung tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm OCOP, các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và sản phẩm, hàng hóa có thế mạnh của tỉnh như: Chè, cà phê, gạo Điện Biên, xi măng và các sản phẩm có chất lượng khác.... đến với người tiêu dùng để tìm kiếm, duy trì và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

    IV. Quốc phòng - anh ninh, trật tự và đối ngoại

    1. Quốc phòng - An ninh

    Thực hiện tốt công tác quân sự quốc phòng địa phương năm 2023, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia, xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh. Chỉ đạo các lực lượng phối hợp tăng cường các hoạt động tuần tra, kiểm soát dọc tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc, Việt Nam - Lào nhằm bảo vệ các hàng rào, mốc giới. Ngăn chặn hoạt động xuất nhập cảnh trái phép, mua bán người, động vật hoang dã, ngăn chặn hoạt động trồng cây thuốc phiện và mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy tại khu vực biên giới. Thực hiện nghiêm chỉ thị, thông tư của Bộ Quốc phòng, Quân khu về tăng cường quản lý, quy hoạch thế trận quân sự và sử dụng đất quốc phòng. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác khảo sát, quy hoạch, xây dựng, quản lý, sử dụng các công trình chiến đấu, thao trường huấn luyện. Tổ chức xây dựng, huấn luyện lực lượng vũ trang địa phương, DQTV, đảm bảo lực lượng DQTV. Thực hiện công tác tuyên truyền, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh cho các đối tượng theo kế hoạch. Ban hành kế hoạch diễn tập KVPT năm 2023 trên địa bàn huyện Tuần Giáo, Mường Chà. Chỉ đạo tổ chức thành công cuộc diễn tập KVPT huyện Tuần Giáo.

    Thực hiện có hiệu quả công tác bảo vệ ANQG, an ninh trên các lĩnh vực, địa bàn trọng điểm được giữ vững ổn định. Chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh làm thất bại chiến lược Diễn biến hòa bình”, Bạo loạn lật đổ” của các thế lực thù địch. Triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp bảo đảm an ninh vùng dân tộc thiểu số, an ninh trong tôn giáo không để bị động, bất ngờ xảy ra. Bảo vệ an ninh văn hóa, tư tưởng, an ninh thông tin, truyền thông, an ninh mạng.

    Tổ chức tuyên truyền nhân dân chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tuyên truyền người dân không di cư tự do, xuất nhập cảnh trái phép; không theo tà đạo, đạo lạ và các đối tượng lợi dụng dân tộc, tôn giáo gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Tổ chức nhiều Chương trình giúp đồng bào miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số ở KVBG phát triển kinh tế, chăm lo đời sống cho người dân.

    Trật tự an toàn xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, tội phạm và vi phạm pháp luật về TTXH tiếp tục được kiểm soát và từng bước đẩy lùi, tuy nhiên vẫn tiềm ẩn yếu tố phức tạp. Công tác phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn các loại tội phạm và vi phạm pháp luật về kinhtế, môi trường đạt nhiều kết quả quan trọng Triển khai thực hiện tốt Chương trình phòng, chống và kiểm soát ma túy trên địa bàn tỉnh Điện Biên giai đoạn 2022-2025”. Công tác chỉ đạo, tuyên truyền, kiểm tra phòng cháy chữa cháy được thực hiện thường xuyên. Công tác bảo đảm TTATGT được duy trì thường xuyên và mở các đợt cao điểm xử lý vi phạm theo các chuyên đề.

    Xây dựng, triển khai các phương án, kế hoạch bảo đảm ANTT, bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu quan trọng về ANQG. Đã triển khai xây dựng một số Đề án như: Đề án nâng cao năng lực, sức chiến đấu của lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại giai đoạn 2022-2023, tầm nhìn 2050; Đề án Đảm bảo cơ sở vật chất cho Công an xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh Điện Biên, giai đoạn 2021 - 2025; Đề án xây dựng Công an phường điển hình, kiểu mẫu về an ninh, trật tự và văn minh đô thị trên địa bàn tỉnh Điện Biên, giai đoạn 2023 - 2030.  

    2. Công tác đối ngoại

    Chủ động tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy lãnh đạo, triển khai kịp thời, đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về hoạt động đối ngoại; tham mưu trình cấp có thẩm quyền ban hành, phê duyệt hoạt động đối ngoại năm 2023 theo quy địnhđảm bảotăng cường, mở rộng quan hệ đối ngoại đảm bảo hội nhập kinh tế quốc tế, đúng chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; tổ chức thành công Đại hội Hội hữu nghị Việt Nam - Lào tỉnh lần thứ II, nhiệm kỳ 2022-2027.

    Tăng cường mở rộng quan hệ hữu nghị đặc biệt, hợp tác toàn diện với các tỉnh Bắc Lào, nổi bật: chỉ đạo triển khai Biên bản ghi nhớ giữa Đảng, chính quyền tỉnh Điện Biên với các tỉnh Phông-sa-lỳ, U-đôm-xay, Luông-pha-bang; tham mưu tổ chức Đoàn đại biểu đảng, chính quyền tỉnh sang thăm, làm việc tại các tỉnh Phông-sa-lỳ, U-đôm-xay, Luông-pha-bang; tham mưu thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác và kỳ kết Biên bản ghi nhớ giữa tỉnh Điện Biên và tỉnh Luông-nậm-thà; phối hợp với tỉnh Phông-sa-lỳ tổ chức thành công Lễ công bố khai trương Lối mở Nậm Đích (Việt Nam) - Huổi Hịa (Lào); tổ chức đón tiếp các Đoàn đại biểu các tỉnh Bắc Lào đến tham dự lễ hội, thăm, làm việc tại tỉnh đảm bảo trọng thị, chu đáo; tăng cường giao lưu, phát triển du lịch, thương mại, văn hóa, thể thao và du lịch với các tỉnh Bắc Lào trong đó chủ trì, phối hợp với các tỉnh trong Nhóm Tây Bắc mở rộng và thành phố Hồ Chí Minh chuẩn bị các điều kiện tổ chức Tuần Văn hóa, Du lịch tại Luông-pha-bang; quyết định cử 03 đoàn đi công tác tại Lào theo lời mời của Bạn, các cấp, các ngành trong tỉnh tiếp tục duy trì, tăng cường quan hệ với các cấp, các ngành của các tỉnh Bắc Lào.

    Tiếp tục duy trì và mở rộng quan hệ với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc): Tham mưu Bí thư Tỉnh ủy tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 3 giữa Bí thư Tỉnh ủy các tỉnh Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên (Việt Nam) với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc); tham dự Phiên họp nhóm Công tác liên hợp lần thứ 9 các tỉnh Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên (Việt Nam) với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc); chỉ đạo triển khai Biên bản Hội nghị thường niên lần thứ 3 giữa các Bí thư Tỉnh ủy và Kế hoạch hành động hợp tác thí điểm về giảm nghèo bền vững giữa các tỉnh Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên (Việt Nam) và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), giai đoạn 2023 - 2025; tích cực trao đổi, phối hợp với Chính quyền tỉnh Vân Nam sớm hoàn thiện các thủ tục nâng cấp lối mở A Pa Chải - Long Phú lên cửa khẩu song phương.

    Thúc đẩy việc kỳ kết thỏa thuận kết nghĩa vớichính quyền tỉnh Bat-na (An-giê-ri), địa phương của nước Cộng hòa Dominicana, các tỉnh vùng Kansai - (Nhật Bản); thiết lập và tăng cường quan hệ, thu hút viện trợ, hỗ trợ của tổ chức quốc tế, Đại sứ quán các nước tại Việt Nam, tổ chức phi chính phủ nước ngoài; thực hiện tốt công tác quản lý hội nghị, hội thảo quốc tế ban hành kế hoạch hoạt động của Ban Công tác vận động, viện trợ nước ngoài tỉnh Điện Biên đến năm 2025, vận động quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn viện trợ nước ngoài.

  • Tác giả: BBT
  • ĐƯỜNG DÂY NÓNG
    Văn phòng Sở KH & ĐT
    0215.382.5409
    Phòng Đăng ký kinh doanh
    0215. 382.5896
    Trung tâm Xúc tiến đầu tư
    0215.383.8686
  • Thắp sáng đường quê